Thời Lã hậu Lịch_Thương

Tháng tư năm 195 TCN, Hán Cao Tổ mất ở cung Trường Lạc. Vua Hán mất đã bốn ngày rồi mà Lã hậu không báo tang. Vì thái tử Lưu Doanh còn nhỏ, Lã hậu sợ các tướng không phục sẽ làm loạn, do đó bàn mưu với tình nhân Thẩm Tự Cơ, định giết chết hết các công thần.

Có người nghe điều ấy nói với Lịch Thương. Ông bèn vào cung gặp Thẩm Tự Cơ nói[3]:

Tôi nghe nói nhà vua đã mất bốn ngày rồi vẫn không báo tang lại còn muốn giết các tướng, như vậy thì thiên hạ nguy mất! Trần Bình và Quán Anh cầm 10 vạn quân giữ Vinh Dương, Phàn Khoái và Chu Bột cầm 20 vạn quân, bình định đất Yên, đất Đại. Nếu họ nghe tin các tướng đều bị giết thì thế nào họ cũng đem quân liên kết với nhau quay về đánh Quan Trung, ở trong các quan đại thần làm phản, ở ngoài chư hầu làm phản, việc diệt vong có thể nhón gót mà chờ vậy.

Thẩm Tự Cơ vội vào nói với Lã Hậu. Lã hậu nghe ra, bèn báo tang Hán Cao Tổ. Vì vậy không xảy ra biến cố nào.

Thời Hán Huệ Đế, Lã hậu chuyên quyền, phân phong cho họ Lã. Lịch Thương tuổi cao sức yếu, không còn được trọng dụng.

Năm 180 TCN, Lã Hậu chết. Các đại thần Trần Bình, Chu Bột mưu diệt họ Lã để lấy lại thiên hạ cho họ Lưu. Nhân con Lịch Thương là Lịch Ký có quan hệ thân thiết với em Lã Hậu là Lã Lộc, Trần Bình và Chu Bột bèn ép Lịch Thương ra lệnh cho Lịch Ký đi dụ Lã Lộc. Lịch Ký khuyên Lã Lộc bỏ binh quyền để về nước Triệu (được Lã hậu phong). Lã Lộc nghe theo, liền cởi ấn tướng quân trả lại binh quyền cho thái úy Chu Bột[4].

Chu Bột liền nắm lấy quân đội, khống chế bắc quân bảo vệ kinh thành rồi cùng các tướng vây đánh tiêu diệt họ Lã. Chu Bột, Trần Bình cùng các đại thần lập Đại vương Lưu Hằng lên ngôi, tức là Hán Văn Đế.

Không lâu sau, Lịch Thương qua đời, được Hán Văn Đế truy tặng là Cảnh hầu. Lịch Ký kế tục tước vị của ông.